Phân bố di tích Di tích về thời Đinh

Tỉnh Ninh Bình, quê hương nhà Đinh và là nơi đặt kinh đô Hoa Lư nên có mật độ di tích thời Đinh dày đặc, phản ảnh đa dạng về dấu tích kinh đô Hoa Lư, các căn cứ quân sự, cuộc đời, sự nghiệp Vua Đinh Tiên Hoàng, hoàng tộc nhà Đinh và các vị tướng. Có khoảng trên 150 di tích thời Đinh như cố đô Hoa Lư: 50 di tích; Quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Ninh Bình: 20 di tích; các nơi thờ tướng lĩnh nhà Đinh: 50 di tích, nhiều nơi thờ các vị Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn, Cao Lịch. Các di tích tập trung dày đặc trong phạm vi cố đô Hoa LưQuần thể di sản thế giới Tràng An thuộc huyện Hoa Lư: 60 di tích, Nho Quan: 17 di tích, Gia Viễn: 14 di tích, Yên Khánh: 10 di tích, Tp NB: 10 di tích,...

Vùng Hà Nội mở rộng hiện thống kê được 97 di tích thời Đinh, tập trung nhiều ở Ứng Hòa: 16 di tích, Thanh Trì: 14 di tích, Gia Lâm: 12 di tích, Quốc Oai: 8 di tích; Các Quận: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Long Biên, Sơn Tây, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thạch Thất, Đan Phượng, Phúc Thọ, Đông Anh, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thường Tín đều có di tích thời Đinh. Hà Nội là quê hương của 40 vị tướng nhà Đinh, tiêu biểu như: 3 anh em họ Cao ở Quốc Oai; Cao Quang Vương, 3 anh em họ Phạm: Phạm Tích, Phạm Thánh, Phạm Thành, 3 anh em người trang Vân Đình ở Ứng Hòa; Đào Trực ở Hoài Đức; Đương Giang ở Đông Anh; Hà Khôi, Hoàng Thông ở Thanh Oai, 6 anh em trai họ Nguyễn ở Phú Xuyên,... Hà Nội là nơi sinh trưởng và lập nghiệp của các sứ quân: Nguyễn Siêu, Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Nhật Khánh, rất nhiều vùng ở Hà Nội là các căn cứ quân sự thời 12 sứ quân của các vị tướng nhà Đinh. Đặc biệt Hà Nội có 2 đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là đền Hoàng Đế ở xã Hợp Thanh, Mỹ Đức và đền Bách Linh ở Ứng Hòa đều là nơi ghi dấu Vua dừng chân tuyển quân lính. Huyện Ứng Hòa còn có đền thờ Hoàng hậu Nguyễn Thị Sen được phong là Bà tổ nghề may ở Việt Nam. Ở Sơn Tây còn có đình Phù Sa thờ công chúa Đinh Phù Dung và phò mã Trương Quán Sơn có công phá Tống bình Chiêm,...

Nhân dân vùng Kỳ Bố Hải Khẩu nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung đã có công lao rất lớn để tạo tiền đề cho sự nghiệp thống nhất đất nước của Đinh Tiên Hoàng. Đây là nơi Đinh Bộ Lĩnh gia nhập lực lượng của sứ quân Trần Lãm, tạo dựng mối liên kết làm bàn đạp đánh dẹp các sứ quân. Có tới 50 nơi thờ tự phản ánh về thời kỳ này có: Các từ đường và đình thờ Bùi Quang Dũng; đình Hoành, đình Bo, đình Trần Lãm; đền Quan, miếu Ba Thôn, chùa Hưng Quốc, từ đường Nguyễn Hữu, đình Tu Trình, miếu Bắc; đình Khả; Dày đặc nhất ở xã Điệp Nông có nhiều di tích thờ 4 anh em họ Trịnh gồm: Minh công, Khang công, Nguyên công, Lương công đã giúp Vua Đinh đánh dẹp sứ quân Kiều Công Hãn.[104] Đặc biệt Thái Bình có đền thờ và lăng mộ Đinh Triều Quốc Mẫu Đàm Thị là thân mẫu Vua Đinh Tiên Hoàng và có đền Thánh Mẫu là nơi thờ Hoàng hậu nhà Đinh Đinh Thị Tỉnh.

Hải Dương hiện có 29 đền, miếu, đình, chùa liên quan đến triều đại nhà Đinh, hầu hết thờ các tướng lĩnh và quan trung thần của Đinh Tiên Hoàng như: Cao Minh, Đặng Chân, Trịnh Thị Khang, Đặng Trí, Đặng Sỹ Nghị, Đặng Sỹ Phan, Đặng Sỹ Lẫm, Hoàng Trung, Hoàng Chí, Hoàng Uy, Nguyễn Phấn, Nguyễn Trọng, Nguyễn Quý, Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng, Phạm Nhật, Trình An Tể, Trịnh Minh, Trịnh Lương, Trịnh Nguyên, Trịnh Khang là những người quê gốc Hải Dương. Các di tích phản ánh lực lượng hùng hậu nhân dân Hải Dương đã theo các tướng gia nhập quân đội của Đinh Bộ Lĩnh như: Phạm Hạp có 2000 lính, Đặng Sỹ Nghị có 6000 lính, Đào Ngọc Sâm có 2000 lính. Những di tích ở vùng đất này cũng có dấu tích của các sứ quân Trần LãmPhạm Bạch Hổ.

Nam Định có 39 nơi thờ tiêu biểu sau: đình Xám thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, thờ Trần Minh Công tức Trần Lãm. Đình Thượng Đồng xã Yên Tiến và đình Viết xã Yên Chính huyện Ý Yên đều thờ Đinh Tiên Hoàng làm thành hoàng. Đền Vua Đinh (Yên Thắng), Ý Yên thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền Gin: thôn Chiền, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, một trong 12 sứ quân; đền An Lá: xã Nghĩa An, huyện Nam Trực thờ Nguyễn Tấn, một vị tướng của nhà Đinh (thế kỷ thứ X); đền Hưng Lộc: xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, thờ Phạm Cự Lượng tướng thời Đinh. Đình Cát Đằng xã Yên Tiến huyện Ý Yên thờ 2 anh em Đinh Đức Đạt và Đinh Đức Thông.

Hưng Yên với 31 di tích thời Đinh. Đình Phù Liệt, xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang thờ ngũ vị đại vương âm phù Đinh Bộ Lĩnh thắng trận, thể hiện sự ủng hộ của dân làng Phù Liệt đối với sự nghiệp thống nhất giang sơn của Vua Đinh. Đền Kim Đằng ở thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên thờ Đinh Điền; đền Mây thờ sứ quân Phạm Bạch Hổ; Đình Thắm thị trấn Văn Giang thờ tướng Chu Công Mẫn; Đình Phương Cái, phường Hồng Châu thờ tướng Phan Cương; Đình Nội Lễ xã An Viên, Tiên Lữ thờ tướng Trần Ứng Long có công sáng tạo loại thuyền nan đánh dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc,...

Hà Nam có 28 di tích thời Đinh tiêu biểu như đình Mai Động, xã Trung Lương, Bình Lục thờ 2 anh em Phạm Phổ, Phạm Hán. Hội làng Gừa, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm tôn vinh Trương Nguyên là người làng Gừa, sau khi theo vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân. Có 4 di tích thờ tướng Đinh Nga ở 2 xã Tân Sơn và Thụy Lôi. Hà Nam còn là quê hương của các vị tướng tài như: Lê Hoàn, Lưu Quyền, Nguyễn Điền, Nguyễn Bang, Nguyễn Ninh, Nguyễn Tĩnh, hoàng hậu Dương Nguyệt Nương,... và có nhiều di tích thờ Đinh Tiên Hoàng tại các căn cứ quân sự của Vua.

Hải Phòng là quê hương của 8 vị tướng thời Đinh: Võ Trung, Trương Phương, Trương Tề, Trương Tụy, Phạm Quảng, Đào Tế, Đào Lai, Đào Độ. Có 8 di tích liên quan đến triều đại nhà Đinh trên địa bàn Hải Phòng gồm. Đình Văn Cú ở xã An Đồng, huyện An Dương thờ hai vị tướng Đỗ Quang và Đỗ Huy có công dẹp loạn. Đình Trại Kênh, xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên cũng thờ các vị tướng theo giúp vua Đinh dẹp 12 sứ quân. Đền Trinh Hưởng ở Thiên Hương, Thủy Nguyên thờ Đào Tế, Đào Lai, Đào Độ 3 anh em họ Đào có công dẹp loạn và làm quan nhà Tiền Lê. Đình Phương Mỹ ở Mỹ Đồng, Thủy Nguyên thờ tướng Phạm Quảng. Đền Khai Quốc ở Cấp Tiến, Tiên Lãng thờ 3 vị tướng Trương Phương, Trương Tề, Trương Tụy cùng Thần Thiên Quan Bình Lãng và Bạt hải Đại vương đã được vua Đinh giành tặng Ngũ vị đẳng thần tại Kinh Lương, những vị thần giữ Biển Đông của đất nước. Chùa Đót Sơn cũng ở Cấp Tiến thờ hai thiền sư nhà Đinh là Đinh Bộ Lan và Đinh Bộ Đông. Chùa Tường Quang là di tích lịch sử được xây dựng từ thời Đinh, một danh lam cổ tự có niên đại trên ngàn năm tuổi thuộc diện rất hiếm có của thành phố Hải Phòng. Đặc biệt qua các di tích cho thấy người dân Hải Phòng theo tướng Võ Trung về với Đinh Bộ Lĩnh với số lượng lên tới 10.000 người.

Bắc Ninh có 13 nơi thờ tướng lĩnh nhà Đinh và các sứ quân như đình Đông Cốc, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành thờ Linh Thông đại vương. Đình Đại Vi, Nghè Gạ, Nghè Nối ở làng Đại Vi xã Đại Đồng, huyện Tiên Du thờ ba vị thần là Chàng Ngọ, Chàng Mai và Bạch Đa. Ba ông quê ở động Hoa Lư, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn các sứ quân. Miếu Cửu Tướng Quân ở Thuận Thành thờ 9 vị trung thần thời Đinh. Đền Du Tràng ở xã Giang Sơn, Gia Bình thờ Lang Công và Chiêu Công là tướng nhà Đinh.

Thanh Hóa có 10 nơi thờ tướng lĩnh thời Đinh như: di tích Phủ Vạn (xã Tiến Nông, Triệu Sơn) thờ ba vị tướng Trần Công Hoan, Trần Công Huân và Trần Công Tiếu, là những người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn sứ quân của Ngô Xương Xí.[74] Đền thờ Trình Minh thuộc thôn Ngọc Xuyết, xã Hà Châu, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa thờ người khởi tổ của dòng họ Trình ở làng Xuyết Khu xưa và là người có công lập nên làng Ngọc Xuyết và giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn. Đặc biệt, Xứ Thanh là nơi đặt căn cứ của thủ lĩnh Ngô Xương Xí trong số 12 sứ quân. Nơi đây ghi nhận Vua Đinh Tiên Hoàng đã về đây thực hiện công cuộc dẹp loạn và được nhân dân ủng hộ. Đền thờ Vua Đinh ở làng Quan Thành, xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn và Nghè Xuân Phả thờ Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt minh chứng cho những đóng góp của đất và người Xứ Thanh với triều đại nhà Đinh.

Nghệ An có 13 nơi tiêu biểu có đền thờ Hồ Hưng Dật ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu thờ người giúp vua Đinh dẹp loạn. Ở xã Hưng Long, Hưng Nguyên có đền Xuân Hòa thờ thần Cao Các. Theo Ngọc phả, Đại vương là vị tướng mưu lược, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, đánh đuổi quân Chiêm Thành. Sau khi ông mất, nhà Đinh thương tiếc cho lập đền thờ. Các triều vua về sau đã phong sắc cho ông là "Thượng thượng đẳng tối linh Tôn Thần." Võ Trung là tướng nhà Đinh có công đánh dẹp Chiêm Thành và mất ở núi Mộ Dạ nên được dân Hoan Châu tôn thờ.

Phú Thọ có 7 di tích liên quan đến triều đại nhà Đinh trên địa bàn. Khi Đinh Bộ Lĩnh về đây dẹp loạn họ Kiều, được người Phú Thọ hưởng ứng và theo giúp rất đông. Tiêu biểu như Bùi Quang Dũng đã tụ tập được 600 quân binh tại Phong Châu gia nhập với lực lượng Hoa Lư.[105] và Lý Mộc Trang người Thanh Ba đã dung nạp 300 người ở huyện Tam Nông cùng tham gia quân đội Hoa Lư. Thần phả đình Đông Thượng ở Đông Thành, Thanh Ba cho biết họ Vi làng Đông Thành đã giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.[66]; Đền Phú Động ở Sơn Cương, Thanh Ba thờ Bạch Quốc, tướng dưới thời Đinh Tiên Hoàng, là người làng Phú Động có công theo giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp sứ quân Kiều Thuận. Đình Tề Lễ ở Cao Xá, Lâm Thao thờ Hoàng Định, người theo về với Vua Đinh đi dẹp loạn 12 sứ quân và được phong chức quan đóng trước thành cũ của Kiều Công Hãn.

Vĩnh Phúc có 7 di tích thời Đinh, nổi bật nhất là cụm di tích đền Gia Loan thờ sứ quân Nguyễn Khoan, thờ tướng nhà Đinh có đình Bồ Lý, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo thờ 2 vị thành hoàng làng: Giang Khẩu Hộ Sát Linh Thính và Giản Sơn Linh Ứng giúp vua Đinh dẹp loạn.

Bắc Giang có 5 di tích thời Đinh. Tiêu biểu nhất là Đình Đông Trước ở xã Mai Đình, Hiệp Hòa là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thờ Bạch Tượng thời nhà Đinh; Đình Hoàng Phúc thờ 3 vị Thần từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng: Lâm Giang phụ quốc chi thần, Bảo Vũ Hộ chi thần, Anh La đôn khác có công giúp Vua dẹp loạn 12 sứ quân; Đình Nội Hương thờ Đương Giang Đại Vương; Đình Đoan Bái thờ Lý Cương Nghĩa, Đào Thiên Nương có công giúp Đinh Tiên Hoàng đế đánh dẹp 12 sứ quân. Di tích lịch sử Đình làng Luồng là công trình kiến trúc có từ thời Đinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Thái Nguyên có 4 di tích thờ Phạm Cự Lượng, vị tướng 2 triều Đinh và Tiền Lê. Quảng Trị có 2 di tích thời Đinh là Cồn Đầu Trâu ở xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng là nơi tưởng niệm Đinh Bộ Lĩnh và đình Bích La thờ tướng Cao Các thời Đinh.

Quảng Nam là nơi phát triển mạnh làng nghề may truyền thống trong khu phố cổ Hội An, do đó mà hàng năm nơi đây đều tổ chức lễ giỗ tổ nghề may vào ngày 12 tháng 12 âm lịch để tôn vinh Thánh tổ nghề may là Hoàng hậu Nguyễn Thị Sen, người đã phát triển nghề may trong cung đình và được hậu thế ghi nhận, tôn vinh. Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng cũng được xây dựng ở làng Hạ Nông, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Các tỉnh xa hơn cũng có di tích thời Đinh như các đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, An Giang, Hòa Bình, Đà Nẵng, Đăk Lắc, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Di tích về thời Đinh http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/10/05/din... http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/DEN-BA-DAN-a105... http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/DEN-TAM-THANH-a... http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/DINH---CHUA-DO-... http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/DINH-KHA-a694.h... http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/DINH-NHAT-TAN-a... http://langhove.com/tuc-le-thon-ho-ve-xa-can-duyet... http://www.phongthuyvnn.com/khoa-hoc/bai-viet/thie... http://thantienvietnam.com/dao-quan/396-dinh-tho-t... http://tinbds.com/hung-yen/phu-cu/xa-phan-sao-nam